5 bước để phòng thủ tennis siêu bền bỉ

Phòng ngự tennis là một trong những kỹ năng sống còn khi thi đấu tennis. Thuần thục được kỹ năng phòng ngự tennis sẽ giúp bạn giữ được những game giao bóng của mình, thậm chí thắng game giao bóng của đối phương và giành thắng lợi. Hãy xem các tay vợt tennis hàng đầu thế giới thi đấu và bạn sẽ thấy sự hiện diện của sự phòng thủ siêu bền bỉ. Novak Djokovic, Rafael Nadal, Roger Federer và David Ferrer đều là những tay vợt có kỹ năng phòng ngự siêu hạng.

Phòng ngự tennis đỉnh cao

Bạn muốn phòng ngự siêu bền như họ? Hãy làm theo 5 bước sau

5 bước phòng ngự tennis

Biết khi nào nên chơi phòng ngự tennis

Bước đầu tiên này rất đơn giản, nhưng bạn lại dễ quên nó khi bước ra sân tennis. Hãy nhớ là BẠN CẦN BIẾT KHI NÀO NÊN CHƠI PHÒNG NGỰ. Nhiều lúc người chơi tennis nghĩ rằng họ có thể thực hiện 1 đánh khó hơn mức nó lẽ ra phải được thực hiện và khi đó họ sẽ mắc lỗi tự đánh hỏng. Có 1 thực tế rất phổ biến mà ít người chơi tennis để ý, đó là bạn thua phần lớn là do tự đánh hỏng chứ không phải do đối thủ ghi nhiều điểm winner.

Một dấu hiện rõ ràng là bạn nên chơi phòng thủ là khi đối thủ đánh bóng sâu sát vạch cuối sân và bạn phải lùi ra sau vạch cuối sân tầm 2 mét. Lúc đó, bạn phải đánh trả bằng 1 cú đánh phòng thủ thay vì cố gắng đánh khó và mạnh. Cú đánh phòng thủ hợp lý nhất lúc này là cú đánh có tỉ lệ vào sân cao (ít nhất 95%), có thể là lốp bóng, nhắm vào giữa sân, lực đánh vừa phải.

Một dấu hiệu nữa để biết bạn nên chơi phòng thủ là bạn phải di chuyển ngang từ góc sân này sang góc sân kia hoặc phải chạy lên để xử lý 1 tình huống đối phương đánh bóng ngắn mà bạn không thể chạy đến vị trí đánh thuận lợi được (nói nôm na là không đủ chân đủ tay) thì bạn phải chọn giải pháp phòng thủ, nghĩa là đánh với lực vừa phải, tỉ lệ vào sân cao, không cố gắng thực hiện 1 cú đánh mạnh hoặc khó.

Thực hiện một cú đánh “có điểm rơi an toàn”

Khi bạn đang bị ép sân và phải chơi phòng thủ, bạn nên cố gắng đánh bóng xoáy lên và cao có điểm rơi an toàn trên sân. Điểm rơi đó thường là ở giữa sân và sâu – sát vạch cuối sân.

Cú đánh này sẽ hạn chế góc đánh trả của đối thủ và bạn cũng có thêm thời gian để quay lại vị trí thuận lợi chờ cú đánh tiếp theo của đối thủ. Thời gian có thêm này là do bóng cao sẽ ở trên không trung lâu hơn và rơi về cuối sân sẽ khiến đối thủ khó ép bóng tấn công trở lại.

Đánh vào điểm yếu của đối phương

Khi phòng thủ, hãy cố gắng đánh bóng vào điểm yếu của đối phương.

Hầu hết người chơi tennis đều yếu cú trái tay. Do đó, bạn hãy thực hiện 1 cú đánh sâu về bên trái tay của đối phương sẽ giúp bạn chuyển từ vị thế phòng thủ về thế trận cân bằng, hoặc thậm chí bạn sẽ có thế chủ động tấn công sau đó.

Di chuyển tốt hơn

Tất cả các tay vợt vĩ đại đều là những người di chuyển tuyệt vời trên sân. Họ có thể đánh trả hầu như tất cả các cú đánh của đối thủ và vì thế khiến đối phương chán nản đến cùng cực. Nếu bạn chơi đã lâu, hẳn bạn cũng từng gặp tay vợt lì lợm như vậy, và nếu đen đủi khi bạn là đổi thủ của họ, bạn sẽ biết cảm giác nản đến cùng cực mà tôi vừa nói.

Có vô vàn những bài tập có thể giúp bạn di chuyển tốt hơn. Dưới đây là một số các đơn giản mà bạn có thể tập theo và không cần ra sân:

  • Bài tập tăng tốc quãng ngắn: Trong bài tập này, bạn phải chạy nước rút từng quãng ngắn trong 1 khoảng thời gian cố định. Bài tập này làm tăng khả năng tăng tốc của bạn khi ở trên sân tennis. Tennis cần cả sức bền và sức mạnh bộc phát, do đó bạn cần tập luyện cả 2.
  • Tập nhảy dây: Bạn có thể dễ dàng tập tại nhà. Nhảy dây là bài tập toàn thân giúp phát triển thể lực và khả năng phối hợp cơ thể rất tốt.

Học cách đọc được lối chơi của đối thủ

Để có thể thi đấu tốt, bạn cần phải đọc vị được lối chơi đối thủ.

Đối thủ thích tấn công vào một vị trí nhất định trên sân? Đối thủ có một lối đánh nhất định, ví dụ liên tục đánh bóng sâu sang phần sân bên phải (deuce court) của bạn rồi đánh bóng dọc dây để kết thúc tình huống bóng?

Hãy chú ý học cách đọc lối chơi của đối thủ để đoán được cú đánh tiếp theo của họ. Làm được như vậy, bạn sẽ chạy đến vị trí bóng nhanh hơn, có đủ thời gian để thực hiện cú đánh tốt hơn (nôm na là đủ chân đủ tay).

Trên đây là 5 bước để phòng thủ siêu bền bỉ mà bạn có thể làm theo để trở thành đối thủ lì lợm và đáng gờm hơn rất nhiều. Chúc các bạn thành công!

Hãy likeshare nếu thấy hay nhé bạn!

Leave A Comment

Subscribe to newsletter

Insider offers & flash sales in your inbox every week.

Latest videos