Cach chon vot tennis, cách chọn vợt tennis

Cách Chọn Vợt Tennis (Phần 2)

[sam id=”3″ codes=”true”]

Cách chọn vợt tennis (Phần 2): Ý nghĩ thông số của vợt tennis

Bạn đang băn khoăn về ý nghĩa các thông số của vợt tennis là gì?

Đây là phần 2 của loạt bài Cách chọn vợt tennis

Các bạn có thể đọc lại cách chọn vợt tennis phần 1.

Trong phần này, chúng tôi sẽ viết về các thông số của vợt tennis cần nhớ khi bạn – là người học tennis hoặc chơi tennis – đi chọn vợt tennis. Các thông số đó bao gồm:

– Kích thước đầu vợt tennis
– Độ dài vợt tennis
– Cân nặng và độ cân bằng của vợt tennis
– Độ cứng của khung vợt tennis
– Kiểu căng dây
– Kiểu tay cầm

Chúng tôi sẽ nói rõ hơn về các thông số vợt tennis này ở phần dưới đây.

II. CHỌN VỢT TENNIS NHƯ THẾ NÀO: Các thông số chính của vợt tennis mà bạn cần biết

1. Kích thước đầu vợt tennis

Để chọn được cây vợt tennis phù hợp nhất thì điều đầu tiên bạn cần lưu ý là kích thước đầu vợt vì lực đánh liên quan mật thiết đến kích cỡ đầu vợt tennis, một cây vợt tennis có đầu vợt lớn hơn sẽ tạo ra nhiều lực hơn so với cây vợt có đầu vợt nhỏ hơn nếu các đặc điểm khác giống nhau.

Không những thế, đầu vợt tennis lớn hơn còn có nghĩa là diện tích đánh bóng và diện tích điểm đánh êm (sweetspot) lớn hơn, giúp cho người chơi tennis có thể đánh trúng bóng ở những điểm lệch tâm của mặt vợt và bóng vẫn có thể qua lưới nhưng không mạnh.

Hiện nay trên thị trường các loại vợt có kích cỡ đầu vợt rất đa dạng, dao động từ 85 đến 135 inch vuông (trên vợt viết tắt là SQ.IN.), nhưng chủ yếu là trong khoảng từ 95 đến 110 inch vuông. Kích cỡ như vậy tạo ra sự kết hợp tốt giữa lực đánh và khả năng kiểm soát cho người chơi.

Nói chung, vợt tennis có đầu vợt nhỏ là dành cho những người chơi tennis giỏi muốn tăng độ kiểm soát bóng, trong khi đầu vợt to thường dành cho những ai đang tập đánh tennis hoặc đánh tương đối tốt muốn có trợ lực và diện tích điểm đánh êm lớn hơn.

2. Độ dài vợt tennis

Yếu tố thứ hai mà các bạn đang tập tennis muốn chọn vợt tennis phù hợp là độ dài vợt. Vợt tennis thường có độ dài nằm trong khoảng từ 27 đến 29 inch, tương đương 68.6 đến 73.7 cm, cũng là giới hạn theo luật của các giải đấu. Các vợt tiêu chuẩn có độ dài là 68.6 cm (trên vợt ghi là 27 IN.). Vợt dài hơn như vậy sẽ kéo dài tầm với trong các cú đánh cuối sân, tăng thêm lực đòn bẩy trong các cú giao bóng và thêm một chút lực đánh.

Đối với hầu hết các tay vợt tennis, tăng độ dài vợt thêm 1,3 đến 2,54 cm thì không thành vấn đề. Hầu hết (nhưng không phải tất cả) các cây vợt tennis dài hơn thường nhẹ hơn vợt tiêu chuẩn để duy trì độ kiểm soát. Lý do là vì khi độ dài vợt tăng lên, thì sức nặng khi vung vợt (swingweight) cũng tăng theo. Một điều đơn giản là kéo dài thêm 1 cây vợt dài 69 cm (27 inch) mà không giảm trọng lượng sẽ cho ra 1 cây vợt tennis cực kỳ quái dị.

3. Cân nặng và độ cân bằng – Yếu tố cần biết khi chọn vợt tennis

Đây là hai yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến cảm giác của người chơi tennis khi cầm vợt lên và khi vung vợt trên sân.

Hãy lưu ý một số kiến thức cơ bản sau:

  • Một cây vợt tennis nặng sẽ mạnh hơn, ổn định hơn và giảm chấn động (độ rung) truyền đến tay bạn nhiều hơn 1 cây vợt nhẹ hơn (nếu các yếu tố khác như nhau)
  • Một cây vợt tennis nhẹ hơn sẽ tăng khả năng kiểm soát và người chơi sẽ có thể vung nó nhanh hơn.

Nếu điều này đúng thì chẳng lẽ một cây vợt nhẹ hơn mà vung nhanh hơn sẽ không tạo ra lực mạnh như một cây vợt nặng hơn mà lại vung chậm hơn? Câu hỏi này là một chủ đề nóng hổi gây tranh cãi từ khi Wilson giới thiệu dòng vợt Hammer vào năm 1990. Trước đó, trọng lượng vợt tennis thường từ 340 – 367 g và có đầu vợt nhẹ (hay cán vợt nặng). “Công nghệ” Hammer của Wilson đã giảm tổng trọng lượng vợt (283 – 311 g) nhưng phân bổ lên đầu vợt nhiều hơn, tức là tạo ra vợt có đầu vợt nặng. Mục đích của họ là để tăng độ kiểm soát mà không phải hy sinh sức mạnh bằng cách tập trung phần lớn trọng lượng vợt lên phần đánh bóng (mặt vợt).

Từ đó, trọng lượng vợt từ từ giảm xuống và giờ chúng thường nằm trong khoảng 283 g. Câu hỏi ở đây là nhẹ hơn có tốt hơn không? Câu trả lời là không hẳn. Vậy thì, trọng lượng vợt như thế nào sẽ phù hợp với bạn? Còn độ cân bằng của vợt thì sao? Đầu vợt nhẹ, đầu vợt nặng hay cân bằng thì tốt nhất? Để trả lời các câu hỏi này, bạn cần điểm đối chiếu. Cây vợt hiện tại của bạn nặng bao nhiêu? Đầu vợt nhẹ hay nặng? Nặng bao nhiêu? Các thông số này các bạn có thể xem ngay trên than vợt hoặc vào trang web của nhà sản xuất sẽ có đầy đủ.

Tiếp theo, bạn muốn dùng một cây vợt tennis nhẹ hơn, nặng hơn hay trung bình? Đầu vợt nhẹ, nặng hay cân bằng? Thường thì bạn không biết những điều này cho đến khi bạn chơi thử một cây vợt nào đó giống như thế. Đừng lo, bạn sẽ được biết một số hướng dẫn về điểm mạnh và yếu liên quan đến trọng lượng và độ cân bằng của vợt tennis.

  • Các cây vợt tennis nặng hơn và có đầu vợt nhẹ: thường được các tay vợt chuyên nghiệp sử dụng và thường được gọi là các cây vợt “cân bằng và có trọng lượng cổ điển”. Chúng thường có trọng lượng từ 311 – 367 g và đầu vợt nhẹ với điểm cân bằng của vợt cách điểm giữa của vợt khoảng 1,27 đến 3,81 cm về phía đầu vợt để giữ khả năng kiểm soát. Thường thì các cây vợt kiểu này thường được gọi là vợt “tuyển thủ” vì chúng thường hướng đến tăng sự kiểm soát và dành cho các tay vợt muốn dùng sức của bản thân để đánh bóng (không có trợ lực từ vợt)
  • Các cây vợt tennis nhẹ và có đầu vợt nặng (thường gọi là vợt tennis có trợ lực): Nhiều năm trước, Wilson đã phát hiện ra rằng họ có khả năng tạo ra một cây vợt có khả năng kiếm soát cao hơn mà không phải trọng lượng đầu vợt. Bằng cách giảm trọng lượng cán vợt, cây vợt đã nhẹ đi về tổng thể trong khi vẫn giữ phần lớn trọng lượng ở phía đầu vợt, là nơi tiếp xúc bóng. Đây chính là điểm cốt lõi của công nghệ Hammer và Sledge Hammer của họ. Một số nhà sản xuất vợt tennis khác cũng đi theo con đường này và giới thiệu các cây vợt nhẹ và có đầu vợt nặng (thậm chí cân bằng, trọng lượng phân bố đều).

Ưu điểm của loại vợt tennis nhẹ và có đầu vợt nặng này là tăng khả năng kiếm soát mà không phải hi sinh sức mạnh, đặc biệt là các quả đánh đôi công cuối sân.

Nhược điểm thì vẫn còn đang tranh cãi – một số “chuyên gia” cho rằng giảm trọng lượng vợt sẽ tăng sự chấn động truyền đến cố tay, khuỷu tay và vai. Một số tay vợt sau khi chuyển từ vợt tennis kiểm soát bóng sang loại vợt này kêu là cảm thấy vợt không đầm tay (và chắc chắn). Rõ ràng, bạn không thể có được mọi thứ. Giảm trọng lượng vợt sẽ thay đổi cảm giác (kém đi hoặc tốt hơn). Hãy nhớ rằng, bạn luôn có thể thêm trọng lượng cho cây vợt nếu nó quá nhẹ, còn ngược lại giảm trọng lượng lại là điều gần như không thể (hoặc có thể nhưng khó khăn hơn).

4. Độ cứng của khung vợt tennis

Mức độ uốn cong của khung khi tiếp xúc bóng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh tiềm ẩn của nó. Một cây vợt cứng hơn sẽ uốn cong ít hơn, do đó sẽ làm mất đi ít sức mạnh hơn từ trái bóng. Một cây vợt mềm hơn sẽ uốn cong nhiều hơn, tức là sẽ làm mất mát nhiều sức mạnh hơn.

Một quan niệm sai lầm thường gặp ở các tay vợt tennis là một cây vợt mềm hơn (uốn cong về phía sau nhiều hơn) sẽ truyền lực nhiều hơn cho trái bóng do hiệu ứng máy bắn đá. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng thời gian trái bóng nằm trên lưới chỉ khoảng 3 – 5 mili giây (ms), ngắn hơn rất nhiều so với thời gian hồi phục trạng thái của khung vợt. Do đó, khung vợt sẽ chẳng thế “trả lại” lực cho trái bóng, mà nó sẽ hấp thụ bớt lực – nhiều hay ít còn phụ thuộc vào độ cứng của khung vợt đó. Vợt cứng hơn sẽ không rút bớt nhiều lực từ trái bóng, dẫn đến ít lực bị mất mát hơn so với vợt mềm hơn.

Độ cứng của khung vợt không chỉ ảnh hưởng đến lực của bóng. Sự kiểm soát cũng như sự thoải mái cũng bị ảnh hưởng. Nói chung, một cây vợt tennis tạo ra nhiều lực hơn sẽ giảm đi sự kiểm soát. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc nhiều vào khả năng và trình độ của người chơi tennis. Một người chơi tennis trình độ cao có thể thích một cây vợt mềm hơn vì họ có cú vung vợt dài và nhanh hơn, nghĩa là sẽ tạo ra nhiều lực hơn. Một cây vợt cứng có thể sẽ quá mạnh cho tay vợt này, dẫn đến là sẽ rất nhiều bóng sẽ bay ra ngoài. Một người mới tập chơi tennis hoặc chơi bình thường có thể thấy một cây vợt cứng sẽ dễ kiểm soát hơn. Điều này cũng đúng cho một người chơi tennis trình độ cao hơn nhưng lại có cú vung vợt gọn và ngắn hơn.

Chốt lại, các cây vợt tennis cứng hơn thường không mang đến sự thoải mái cho người chơi bằng các cây vợt tennis mềm hơn. Một cây vợt rất cứng sẽ truyền nhiều chấn động hơn đến cổ tay, khuỷu tay và vai hơn một cây vợt có độ cứng vừa phải. Sự thoải mái là một yếu tố rất khó đong đếm – mỗi cây vợt sẽ có cảm nhận khác nhau. Tuy nhiên, các tay vợt có các vấn đề về tay và/hoặc vai sẽ phù hợp với một cây vợt mềm hoặc cứng vừa phải và nên tránh sử dụng vợt cứng hoặc rất cứng. Một tác động ít người biết của độ cứng của vợt tennis là độ xoáy được tạo ra. Nói chung, vợt tennis cứng hơn sẽ tạo ra độ xoáy kém hơn so với vợt mềm vì bóng rời khỏi mặt vợt nhanh hơn.

5. Kiểu căng dây tennis

Đây là một yếu tố thường ít được chú ý bởi các tay vợt nghiệp dư chỉ coi tennis là thú vui giải trí. Tuy nhiên, kiểu căng dây ảnh hưởng rất lớn đến sức mạnh tổng thể và cảm giác của một cây vợt. Khi nói đến kiểu căng dây là nói đến thoáng (open) và khít (dense) (hoặc đóng).

  • Kiểu căng dây thoáng sẽ võng xuống nhiều hơn so với kiểu căng dây khít hơn khi tiếp xúc bóng, do đó làm tăng lực đàn hồi của bóng. Ở cùng một độ căng (với cùng loại vợt), kiểu căng dây thoáng sẽ không mang lại cảm giác “chặt” như kiểu căng dây khít. Kiểu căng dây này cũng có khả năng tạo ra nhiều lực xoáy hơn vì bóng đè lên lưới nhiều hơn do khoảng cách giữa các dây vợt rộng hơn.

Các tay vợt thích đánh bóng xoáy sẽ có lợi khi căng dây thoáng hơn nhưng cái giá phải trả là độ bền dây sẽ giảm. Kiểu căng dây thoáng làm cho dây có thể xô thoải mái hơn, làm tăng ma sát và dễ làm đứt dây.

  • Kiểu căng dây khít hơn sẽ ít võng xuống khi tiếp xúc bóng, dẫn đến ít lực đàn hồi hơn. Căng dây khít hơn cũng đồng nghĩa với ít xoáy hơn nhưng dây lâu đứt hơn (so với căng dây thoáng hơn trên cùng một vợt).

Các tay vợt đánh bóng ít xoáy và muốn tăng sự kiểm soát sẽ thường thích căng dây kiểu này. Ngoài ra các tay vợt đánh bóng cực xoáy cũng căng dây kiểu này để đỡ phải thay dây nhiều (đỡ xót tiền).

6. Các kiểu tay cầm

Do vợt tennis ngày càng nhẹ hơn, các nhà sản xuất đang tìm cách tăng sự thoải mái mà không làm tăng thêm nhiều trọng lượng. Kết hợp hệ thống giảm chấn động và độ rung trong tay cầm là phương thức phổ biến nhất. Các hệ thống tay cầm ISIS của Dunlop, No SHOX của Head, Air của Prince và Sensor của Volkl mang đến nhiều mức độ hiệu quả khác nhau trong việc giảm chấn động và độ rung của khung vợt. Wilson và Yonex cũng có các hệ thống giảm chấn như các công nghệ Iso-Zorb và V-Con.

7. Kết luận về việc nên chọn vợt tennis như thế nào

Những kiến thức trên đây là những điều tham khảo quý báu trong quá trình chọn cây vợt phù hợp với bạn. Hãy đọc kỹ những điều này và nên áp dụng với các cây vợt cũ trước như một cách để thử vợt và bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền. Điều quan trọng là bạn sẽ tìm được một cây vợt vừa ý, vừa với khả năng, trình độ và sức lực của bạn. Bạn có thể cân nhắc sở hữu nhiều hơn một cây vợt, để phù hợp với từng thời điểm (sung sức hoặc đã thấm mệt).

Hi vọng những lời khuyên này bổ ích cho các bạn!


Khi tham gia các khóa học tennis tại trung tâm Hoctennis.net, bạn sẽ được mượn vợt tennis miễn phí để tập luyện và sau khi kết thúc khóa học thì sẽ được tư vấn miễn phí để mua được cây vợt tennis phù hợp nhất với sức khỏe và lối chơi tennis của bạn.

Gọi hotline 0963.221.048 để đăng ký học ngay và đánh tennis tốt trong thời gian ngắn nhất!

 

10 thoughts on “Cách Chọn Vợt Tennis (Phần 2)”

  1. Tuấn Solomon

    Rất bổ ích cho mình. Mình muốn đánh thật hay thì có những bài tập thể lực và tăng lực cho mình không hả bạn.^^

  2. Học tennis miễn phí on Facebook

    Bài viết quan trọng thế mà mọi người có vẻ không thích đọc nhỉ, buồn ghê

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *